Muốn nuôi dạy con có sức chịu đựng tốt, cha mẹ cần “3 bớt, 4 làm, 5 nhớ”
Cổng thông tin hội liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Kiên - Yên Bái
Thật đau lòng khi ngày càng có nhiều đứa trẻ vì không chịu được áp lực học hành, cuộc sống mà sớm kết thúc cuộc đời mình. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên rèn cho con mình sức chịu đựng tốt trong xã hội hiện đại.
Khi có tin tức một học sinh tự tử, nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho áp lực học hành, nghiện game và cũng có người cho rằng, do sức chịu đựng của bọn trẻ bây giờ quá kém.
Ai cũng biết rằng, mỗi lời nói và hành động của con cái đều có bóng hình cha mẹ bên trong. Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái bắt đầu từ thời thơ ấu và kéo dài suốt đời. Đôi khi một hành động nhỏ của cha mẹ cũng có thể tác động tiêu cực đối với con cái.
Nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ dũng cảm, tự tin, có sức chịu đựng tốt, biết vượt qua những khó khăn, áp lực, cha mẹ nhất định cần phải nhớ những điều dưới đây:
"3 bớt" khi dạy con
- Bớt nói những từ tiêu cực
Một số cha mẹ cho rằng, mình càng la mắng con thì con càng sợ mà lo học hành. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Sự thật là trẻ không có động lực học tập khi bị thúc đẩy bởi những lời nói tiêu cực của cha mẹ, chúng chỉ thấy áp lực, khó chịu và bị tổn thương.
- Bớt buộc tội
Trên Zhihu có một câu hỏi: "Cha mẹ đã để lại cho bạn cái bóng nào?"
Một cư dân mạng trả lời: "Những lời buộc tội vô tận của cha mẹ khiến tôi luôn sống trong trạng thái nghi ngờ bản thân".
Có những câu nói gây sát thương trở thành câu thần chú của các bậc cha mẹ, họ quên mất rằng, đây cũng chính là "nhát dao" khiến trẻ đau nhất. Sống dưới sự buộc tội của cha mẹ, con cái sẽ nghi ngờ mọi thứ, rơi vào cảm giác bất lực và bất an.
Tổn thương này sẽ đi cùng trẻ suốt đời và trở thành chiếc gông cùm mà trẻ không thể rũ bỏ trong suốt quãng đời còn lại.
- Bớt tỏa ra năng lượng tiêu cực
Có một cô bé nói rằng, mẹ mình tuy không đánh mắng nhưng hay thở dài, thường than mệt mỏi, nhà không có tiền, cuộc sống khó khăn. Điều này khiến cô bé cảm thấy bản thân thật tệ, cảm giác như mình đã làm điều đó sai trái.
Một đứa trẻ khi nghe quá nhiều từ tiêu cực khiến thế giới trong mắt chúng toàn màu xám xịt. Trẻ trở nên bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống.
"4 làm" khi dạy con
- Tôn trọng
Có một câu chuyện kể rằng, trong bữa tối giao thừa, cả nhà đang ăn uống ngon lành thì đứa con lại cau có.
Bố hỏi: "Sao bữa ăn ngon thế mà mày cau có vậy?".
Đứa bé nhìn mọi người khẽ nói: "Mặn quá".
Người bố nghe xong liền tức giận: "Mày không ăn thì cút ra ngoài".
Dưới sự chứng kiến của tất cả họ hàng, cậu bé đứng suốt một buổi trưa. Kể từ đó, cậu bé này không bao giờ nói thức ăn mặn nữa.
Mãi nhiều năm sau, cậu bé này mới nói: "Tôi không còn dám bắt bẻ ai nữa. Khi lớn lên, tôi cũng quen phục tùng người khác".
Sự tôn trọng được phản ánh trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bản chất của nó là tôn trọng những sự thật mà một người nghĩ. Có thể khẩu vị của đứa trẻ thích ăn nhạt và nó không sai khi nhận xét thức ăn quá mặn.
Cha mẹ nên biết cách nhìn thế giới từ đôi mắt trẻ thơ, giảm thiểu sự nghi ngờ bản thân của trẻ, giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn thể hiện bản thân hơn.
- Nhận thức
Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, tâm trạng tồi tệ của trẻ rất phiền phức. Họ không biết rằng, nếu một đứa trẻ có cảm xúc, chúng biết nhận thức và phản ánh mọi thứ.
Ví dụ: Khi con bạn hét lên không muốn đánh răng, hãy ngừng đổ lỗi, đây là khởi đầu của cảm xúc. Thực ra đây là tín hiệu "cầu cứu" của trẻ. Thay vì bắt trẻ im lặng, tốt hơn hết bạn nên chấp nhận sự phản kháng và thấu hiểu tâm lý đằng sau.
- Lắng nghe
Cha mẹ tốt là biết cách lắng nghe những gì con mình nói, nhất là khi trẻ đang háo hức kể. Lúc này, cha mẹ hãy ngồi yên, im lặng lắng nghe con mình nói, biết đâu sẽ thu được những thành quả bất ngờ.
- Giao tiếp
Giao tiếp là cách để cha mẹ và con cái hiểu nhau nhiều hơn, đừng đánh giá thấp về điều này. Nếu cha mẹ có thể kiên nhẫn giao tiếp với con cái, có thể để trẻ cảm thấy nhu cầu của mình được lắng nghe, cảm xúc được chấp nhận, được tôn trọng và yêu thương, trẻ sẽ trở nên tự tin, hoạt bát hơn.
"5 nhớ" khi dạy con
- Nhớ ổn định tâm lý
Cha mẹ có tâm lý ổn định mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, bình tĩnh.
Cha mẹ có tâm lý bất ổn sẽ nuôi dạy những đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự trọng, nhạy cảm, bướng bỉnh, hay nghi ngờ.
Trên con đường trưởng thành của con cái, các bậc cha mẹ nhất định cần phải ổn định tâm lý, có tấm lòng bao dung.
- Nhớ bình tĩnh
Thấy con làm sai, nhiều cha mẹ không khỏi tức giận, thậm chí còn lớn tiếng chỉ trích con.
Trẻ càng khóc nhiều, cha mẹ càng phải bình tĩnh. Con cái càng mắc nhiều lỗi, cha mẹ càng kiên nhẫn hơn.
- Nhớ thể hiện tình yêu thương
Đằng sau mỗi đứa trẻ tự tin và hạnh phúc là có cha mẹ luôn yêu thương mình. Yêu thương không có nghĩa là nuông chiều con quá mức mà dành cho con đủ tình cảm và sự đồng hành trong cuộc sống.
Những đứa trẻ sống trong tình yêu và có sự đồng hành của cha mẹ trong quá trình lớn lên sẽ thêm yêu cuộc sống này.
- Nhớ yếu đuối
Những bậc cha mẹ thông thái hiểu rõ lợi ích của việc tỏ ra mình là người yếu đuối. Điều này có thể giúp họ không phục tùng con cái vô tội vạ, không đòi hỏi sự hoàn hảo. Hơn nữa, nó có thể khiến con cái trở nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn.
- Nhớ bao dung
Đứa trẻ nào cũng mắc sai lầm, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết bao dung.
Trước những sai lầm của con cái, cha mẹ luôn trong tiềm thức đổ lỗi và la mắng, điều này sẽ chỉ làm tăng gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Cha mẹ thông minh biết cách bao dung và chấp nhận lỗi lầm của con cái, dẫn dắt con đi vào con đường đúng đắn.